Nội vụ phủ tuyển tú Tuyển tú thời Thanh

Vấn đề cung nữ triều Thanh luôn là một đề tài tương đối phức tạp. Trong thực tế, các ghi chép đời Thanh cũng có xuất hiện chuyện lẫn lộn Bát Kỳ tuyển tú và Nội vụ phủ tuyển tú, đến các nghiên cứu đời sau thì sự nhầm lẫn này càng thêm rõ ràng, thậm chí lại có xu hướng cẩu thả. Xem xét chế độ cung nữ phức tạp thời Minh, triều đình nhà Thanh từ việc lựa chọn người của Nội vụ phủ Bát Kỳ mà xây dựng nên chế độ cung nữ của riêng mình, đem Thượng tam kỳ Bao y thuộc quản lý trực tiếp của Hoàng đế để phục vụ người nhà của Hoàng đế (kỳ chủ), cũng là một bước tiến so với chế độ bao y Mãn Châu trước khi nhập quan.

Chế độ cung nữ thời Thanh, trong phương diện tuyển chọn nhân lực thì cơ bản giống với Bát Kỳ tuyển tú, chẳng qua những hạn chế đối với chức quan của phụ thân gần như không có, là do mục đích cuối cùng của tuyển chọn là để lựa cung nữ chứ không phải hậu cung. Bất quá cung nữ ở trong cung hầu hạ ngẫu nhiên được Hoàng đế sủng hạnh mà trở thành phi tần tuy rằng có rất nhiều trường hợp, nhưng ở đời Thanh, những trường hợp này so với tổng số tỉ lệ vẫn rất nhỏ.

Yêu cầu và quá trình

  1. Phàm là nữ tử thuộc Thượng tam kỳ Bao y phù hợp tiêu chuẩn, đến năm 11 tuổi phải báo cáo để Nội vụ phủ lập danh sách dự tuyển.
  2. Tới thời điểm tuyển tú, họ sẽ được quan viên Nội vụ phủ sắp xếp, tiến hành lựa chọn theo trình tự.
  3. Sau khi sắp xếp xong xuôi, sẽ giống như Bát Kỳ tuyển tú, ở trong xe ngựa đợi ở Thần Vũ môn rồi được thái giám đưa vào nội cung.
  4. Nội vụ phủ tú nữ sau khi được thái giám đưa vào cung, sẽ đến địa điểm chuyên biệt để Đế-Hậu xem xét.
  5. Căn cứ tư liệu từ nhân chứng đời Thanh, Nội vụ phủ tú nữ được lựa chọn sẽ được giữ lại trong cung huấn luyện, dạy dỗ một số chuyện lặt vặt, thêu thùa may vá và các lễ nghi trong cung.
  6. Căn cứ vào biểu hiện khi huấn luyện, những người được chọn sẽ được phân đến những nơi khác nhau, làm những việc khác nhau.

Cung nữ làm việc trong cung chỉ là chuyện tạm thời, nói như vậy tức là sau từ 5 năm đến 10 năm, hoặc đến 25 tuổi (trước thời Ung Chính là 30 tuổi) thì có thể trình báo, nhận được sự cho phép thì có thể xuất cung tự do kết hôn, đương nhiên cũng có trường hợp bị trục xuất trước thời hạn do bệnh tật hoặc phạm lỗi. Chỉ là thường cung nữ không cần phải đến 25 tuổi, hơn 20 tuổi là có thể xuất cung rồi. Và có 1 bộ phận rất nhỏ trong số họ ngẫu nhiên được Hoàng đế sủng hạnh, trở thành Hậu phi cấp thấp (thông thường là Thường tạiĐáp ứng), rồi có thể từ từ leo lên. Ngoài ra cũng có một số trường hợp đặc thù, sau khi Nội vụ phủ tuyển tú kết thúc hoặc đang làm việc trong cung thì được sắp xếp chỉ hôn cho Tông Thất nào đó (xem bài Phúc tấn). Cũng có cung nữ sau khi đủ tuổi xuất cung được tứ hôn cho đại thần trong Bát Kỳ làm vợ hoặc thiếp. Đương nhiên, cũng có 1 nhóm rất ít được Hậu phi tín nhiệm, ngây dại ở trong cung năm này qua năm khác.

Cung nữ và Nữ quan

Khái niệm Nữ quan triều Thanh và các triều đại Trung Quốc trước đây trên định nghĩa không giống nhau. Các triều đại khác của Trung Quốc, thì “nữ quan” là một chế độ có phẩm cấp rõ ràng và thực hiện chấp chưởng cung nữ, còn Thanh triều thì đó chỉ là những Ngoại mệnh phụ được Nội vụ phủ đề cử để tiến hành hỗ trợ những nghi thức trong các điển lễ quan trọng trong hoàng tộc, mang tính chất tạm thời, hoàn toàn khác nhau.

Cung nữ trong cung đình nhà Thanh, dựa vào lý lịch và bổn phận mà có chuyện “đẳng cấp ngầm”. Như thân phận cung nữ lâu năm sẽ cao hơn cung nữ mới đến, cung nữ thân cận với Đế-Hậu sẽ cao hơn cung nữ làm việc vặt, nhưng do triều Thanh không hình thành chế độ nữ quan nghiêm khác như các triều đại Trung Quốc khác nên đãi ngộ nhìn chung vẫn là dành cho cung nữ.

Bên cạnh đó, có hai vị Dụ Đức LinhDụ Dung Linh đều xưng là “nữ quan”, mà các hồi ký của Đức Linh cũng tự xưng mình là “Ngự tiền nữ quan” (御前女官), là một trong Tử Cấm Thành bát nữ quan (紫禁城八女官). Mà thực tế thì những cách gọi này đều là xưng hô nôm na, hoặc rất có thể là cách Đức Linh “mạ vàng” cho bản thân. Dụ Đức Linh và Khánh vương phủ Tứ cách cách các loại, chỉ là thường xuyên vào cung làm bạn với Từ Hi Thái hậu, cùng bà ấy tám chuyện mà thôi, không quan hệ với các kiểu cung nữ và nữ quan đó. Bất quá chuyện tiếm xưng vào thời Thanh rất nhiều, cũng có thể là thái giám hoặc người ngoại quốc tiếm xưng Đức Linh là nữ quan, và bà ấy lấy đó như một sự khen tặng để nâng cao vị trí của mình.